Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một trái tim khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm sẽ hỗ trợ tốt cho hoạt động của tim, cung cấp chất dinh dưỡng, bảo vệ tim. Chúng cũng có thể ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Vì chúng giúp điều hòa huyết áp, giảm cholesterol và chất béo trung tính dư thừa, chống viêm. Vậy thực phẩm nào không tốt cho tim mạch? Hãy cùng đến với những gợi ý ngay dưới đây.
Thực phẩm không tốt cho tim mạch
Ngũ cốc tinh chế : Ngũ cốc tinh chế là ngũ cốc đã được xay xát, loại bỏ cả cám và mầm, bao gồm: Bột mì trắng, gạo trắng, bánh mì trắng, nhiều loại bánh mì, ngũ cốc, bánh quy giòn, món tráng miệng và bánh ngọt cũng được làm từ ngũ cốc tinh chế…
Quá trình tinh chế cũng loại bỏ nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, chất xơ. Ngũ cốc tinh chế nhanh chóng chuyển đổi thành đường, theo các nghiên cứu, chế độ ăn nhiều ngũ cốc tinh chế có liên quan đến bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường type 2.
Thức ăn nhanh : Thức ăn nhanh chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa, cũng như nhiều chất bảo quản và thành phần đã qua chế biến. Đây là những chất không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ tử vong. Gà rán, khoai tây chiên ngập dầu… đều là những thức ăn nhanh phổ biến, có lượng lớn calo và ít chất dinh dưỡng, tất cả đều không tốt cho sức khỏe tim mạch.
Thức ăn nhanh có chứa những chất không tốt cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Nước ngọt : Nước ngọt chứa một lượng lớn đường, những người uống nước ngọt có xu hướng tăng cân nhiều hơn, dễ bị béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
Thực phẩm chế biến sẵn : Xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, giò, chả… đều chứa nhiều chất béo bão hòa và muối. Mặc dù tiện lợi và ngon miệng, đây đều là những loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, ung thư…
Rượu, bia: 1g rượu (ethanol) cung cấp 7kcal, nhưng không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào. Quá trình chuyển hóa rượu để sinh năng lượng cần các enzym xúc tác có nguồn gốc từ các vitamin nhóm B. Vì vậy, với một lượng rượu lớn, cơ chế chuyển hóa ethanol thành năng lượng sẽ bị hạn chế, các chất chuyển hóa của rượu có khuynh hướng tổng hợp thành chất béo.
Do đó, uống nhiều rượu, bia có thể dẫn đến tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương tế bào gan, tế bào thần kinh, bệnh tim mạch, đột quỵ. Nên sử dụng rượu, bia vừa phải, trong ngưỡng khuyến cáo: Nam không quá 2 đơn vị cồn/ ngày, nữ không quá 1 đơn vị cồn/ ngày (1 đơn vị cồn = 1 chén rượu mạnh 30ml 40% = 330ml bia hơi = 3/4 lon/chai bia 5% = 1ly rượu vang 100ml 13,5%).
Lưu ý từ chuyên gia
Để bảo vệ tim mạch, chuyên gia đưa ra một số lời khuyên:
- Xây dựng bữa ăn cân bằng các chất dinh dưỡng. Không nên quá lạm dụng bất kỳ một loại thực phẩm nào.
- Uống đủ từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường và muối, rượu bia…
- Bỏ thuốc lá bởi khói thuốc lá chứa các chất làm co mạch máu, có thể gây tổn thương tới thành mạch máu. Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh liên quan tới tim mạch.
- Giữ cân nặng ở mức cho phép. Nếu bị thừa cân, béo phì cần giảm cân. Hãy tham vấn chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn kiêng phù hợp.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc. Tránh thức quá khuya.
- Tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
Có thể bạn quan tâm
Xem các nội dung khác